Quản lý, sử dụng chứng thư số chuyên dùng trong ngành Thuế

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 143 | Cật nhập lần cuối: 1/5/2024 3:27:02 PM | RSS

1. Thế nào là chứng thư số trong ngành thuế?

Quản lý, sử dụng chứng thư số chuyên dùng trong ngành Thuế

- Chứng thư số là một dạng chứng thư điện tử do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cấp nhằm cung cấp thông tin định danh cho khóa công khai của một cơ quan, tổ chức, cá nhân, từ đó xác nhận cơ quan, tổ chức, cá nhân là người ký chữ ký số bằng việc sử dụng khóa bí mật tương ứng.

Chứng thư số bao gồm các loại sau:

- Phân loại theo đối tượng sử dụng:

+ Chứng thư số cá nhân: chứa thông tin định danh của cá nhân; dùng để xác nhận chữ ký số của cá nhân.

+ Chứng thư số cơ quan, tổ chức: chứa thông tin định danh của cơ quan, tổ chức; dùng để xác nhận chữ ký số của cơ quan, tổ chức.

+ Chứng thư số thiết bị, dịch vụ, phần mềm: chứa thông tin định danh được gán cho thiết bị, dịch vụ, phần mềm; dùng để xác nhận tính hợp lệ của thiết bị, dịch vụ, phần mềm; bao gồm và không giới hạn trong phạm vi các loại sau: chứng thư só Web Server (SSL), VPN Server, Mail Server, Code Signing.

- Phân loại theo tổ chức cung cấp:

+ Chứng thư số chuyên dùng là chứng thư số do Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng của cơ quan, tổ chức ngoài Bộ Tài chính cung cấp (không bao gồm Ban Cơ yếu Chính phủ trong phạm vi Quy chế này).

+ Chứng thư số chuyên dùng Chính phủ là chứng thư số do Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ (Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin trực thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ) cung cấp.

+ Chứng thư số công cộng là chứng thư số do Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cung cấp.

+ Chứng thư số nước ngoài là chứng thư số do Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nước ngoài cung cấp.

2. Quản lý, sử dụng chứng thư số chuyên dùng Chính phủ trong ngành Thuế

Căn cứ theo quy định tại Quyết định 1862/QĐ-TCT về Quy chế quản lý, sử dụng chứng thư số, chữ ký số trong ngành Thuế việc quản lý, sử dụng chứng thư số chuyên dùng Chính phủ trong ngành Thuế được quy định như sau:

Quy định về cấp phát chứng thư số:

- Đối với chứng thư số cơ quan, tổ chức được cấp cho: Cơ quan Tổng cục Thuế và các đơn vị trực thuộc cơ quan Tổng cục Thuế; Cục Thuế; Chi cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực và các trường hợp phát sinh khác có thẩm quyền sử dụng con dấu theo quy định của pháp luật được TCT phê duyệt.

- Đối với chứng thư số cá nhân sẽ được cấp cho:

+ Lãnh đạo từ cấp Phó trưởng phòng trở lên tại các đơn vị thuộc và trực thuộc cơ quan TCT;

+ Lãnh đạo từ cấp Phó trưởng phòng trở lên tại Cục Thuế;

+ Lãnh đạo từ cấp Phó đội trưởng hoặc Phó trưởng phòng trở lên tại Chi cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực;

+ Cán bộ công chức Thuế tham gia quy trình điện tử hoá do cơ quan nhà nước ban hành;

+ Trường hợp phát sinh khác do TCT quy định tại các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, văn bản triển khai,...

- Chứng thư số cho thiết bị, dịch vụ, phần mềm được cấp cho từng trường hợp do Tổng cục Thuế phê duyệt.

- Sim PKI được cấp cho:

+ Lãnh đạo từ cấp Phó trưởng phòng trở lên tại các đơn vị thuộc và trực thuộc cơ quan TCT;

+ Lãnh đạo từ cấp Phó trưởng phòng trở lên tại Cục Thuế;

+ Lãnh đạo từ cấp Phó đội trưởng hoặc Phó trưởng phòng trở lên tại Chi cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực;

+ Cán bộ công chức Thuế tham gia các quy trình điện tử hoá do cơ quan nhà nước ban hành;

+ Trường hợp phát sinh khác do Tổng cục Thuế quy định tại các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, văn bản triển khai,...

Các cá nhân, đơn vị sử dụng chứng thư số chuyên dùng Chính phủ và khóa bí mật, thiết bị lưu khóa bí mật sẽ được cấp tương ứng với chứng thư số cho các hoạt động sau:

- Ký số văn bản điện tử trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành điện tử; hồ sơ, chứng nhận điện tử trong các thủ tục hành chính công trực tuyến, dịch vụ công trực tuyến; trong các giao dịch điện tử khác theo quy định.

- Xác thực khi đăng nhập hệ thống thông tin.

- Mã hóa dữ liệu, tệp tin lưu trữ trên thiết bị hoặc trao đổi giữa các tổ chức, cá nhân.

- Xác thực dịch vụ, phần mềm, thiết bị; mã hóa kết nối giữa các thiết bị, dịch vụ, phần mềm.

Đảm bảo an toàn, bí mật trong việc sử dụng chứng thư số

- Khóa bí mật phải được lưu trên thiết bị lưu khóa bí mật, không được giao thiết bị lưu khóa bí mật cho người khác.

- Chứng thư số của cơ quan, tổ chức lưu trên thiết bị lưu khóa bí mật thì phải giao cho bộ phận Văn thư sẽ chịu trách nhiệm quản lý và được để ở trụ sở cơ quan, trong tủ khóa.

- Đối với chứng thư số cho dịch vụ, phần mềm, thiết bị phải lưu trên thiết bị ký số chuyên dụng.

3. Đẩy mạnh sử dụng chữ ký số, dịch vụ chứng thực chữ ký số

- Chứng thư số do Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng của cơ quan, tổ chức cấp phải bao gồm các nội dung:

+ Tên của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số;

+ Tên của thuê bao; số hiệu chứng thư số;

+ Thời hạn có hiệu lực của chứng thư số;

+ Khóa công khai của thuê bao;

+ Chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số;

+ Các hạn chế về mục đích, phạm vi sử dụng của chứng thư số...

- Chữ ký số của đối tượng được cấp chứng thư số chỉ được sử dụng để thực hiện các giao dịch theo đúng thẩm quyền của cơ quan, tổ chức và chức danh được cấp chứng thư số.

- Về giá trị pháp lý của chữ ký số, trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký thì yêu cầu đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bằng chữ ký số và chữ ký số được đảm bảo an toàn theo quy định.

- Chữ ký số được tạo ra trong thời gian chứng thư số có hiệu lực và kiểm tra được bằng khóa công khai ghi trên chứng thư số đó; chữ ký số được tạo ra bằng việc sử dụng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai ghi trên chứng thư số; khóa bí mật chỉ thuộc sự kiểm soát của người ký tại thời điểm ký.

- Chữ ký số và chứng thư số nước ngoài được cấp giấy phép sử dụng tại Việt Nam có giá trị pháp lý và hiệu lực như chữ ký số và chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng của Việt Nam cấp.

- Điều kiện sử dụng chứng thư số nước ngoài phải đảm bảo chứng thư số còn hiệu lực, được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép sử dụng tại Việt Nam hoặc chấp nhận trong giao dịch quốc tế. Trường hợp sử dụng chứng thư số nước ngoài cho máy chủ và phần mềm không cần giấy phép.

- Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng được cung cấp dịch vụ khi đáp ứng các điều kiện sau: Có giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp; Có chứng thư số do Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia cấp.

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan, tổ chức liên quan đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp có trách nhiệm đẩy mạnh việc ứng dụng, sử dụng chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số phù hợp với các quy định tại Nghị định này để đảm bảo an toàn cho các giao dịch điện tử giữa cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp.

Xem bình luận

Sắp xếp

TOP